Robot CBi cao 1,55m, nặng 85kg, có 51 bậc tự do đang mô phỏng chuyển động của khỉ trên máy chạy - Ảnh: Kyodo
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học ở ĐH Duke (Mỹ) đã huấn luyện khỉ di chuyển trên máy chạy. Khi chú khỉ di chuyển, các tín hiệu tạo ra bởi não được ghi lại tùy theo dạng chuyển động, sau đó được mã hóa thành vị trí của các góc quay khớp chân khỉ.
Các tín hiệu này sau đó được chuyển qua mạng Internet tới các nhà khoa học ở Cơ quan Khoa học và công nghệ Nhật Bản (JST), chuyển đến robot dạng người CBi và điều khiển robot này theo chế độ thời gian thực. Nếu khỉ đi chậm, robot cũng sẽ đi với tốc độ tương tự. Những hình ảnh di chuyển của robot được camera ghi và truyền ngược lại tới Mỹ để cho chú khỉ quan sát.
Vấn đề chính gây khó khăn cho các nhà khoa học hiện nay là việc cấy các thiết bị vào não của động vật hay con người mà không gây hại tới não. Với những con khỉ thực hiện trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã gắn 200 điện cực vào não chúng để lấy tín hiệu. Còn đối với con người, họ phải cấy các điện cực và bộ xử lý vào não bệnh nhân.
Các điện cực này sẽ truyền thông tin tới bộ xử lý tín hiệu của não, giúp bệnh nhân điều khiển chân hoặc tay giả. Theo tính toán, từ khi não tạo tín hiệu đến khi các thiết bị giả hoạt động chỉ mất khoảng 0,25 giây, tạo cho người bệnh cảm giác như đang điều khiển các bộ phận của chính cơ thể mình.