Sau khi đoạt chức vô địch Robocon 2010, các thành viên đội LH-Led (Trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai) đang tất bật với những môn thi cuối học kỳ, đồng thời cũng đang dốc sức ráo riết luyện tập, toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho kỳ thi vòng chung kết vào tháng 9 tới tại Ai Cập.
Đầu tư hết mình
TS Trần Hành, Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng, chia sẻ niềm tự hào: Đã sáu năm phát động phong trào nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chế tạo robot. Cuộc chờ đợi dài nhưng không ngờ trong ba phút, một trường ĐH ngoài công lập như trường chúng tôi có chất lượng đầu vào thấp được khẳng định, vinh danh trong cuộc thi Robocon 2010. Thật sung sướng!
TS Trần Hành phấn khởi nói thêm: Thành tích đạt được hôm nay là nhờ đội ngũ cán bộ giảng dạy biết khơi nguồn năng lực, tiềm năng của sinh viên. Robot là lĩnh vực luôn thu hút lớp sinh viên trẻ của trường tham gia với sự đam mê nồng nhiệt và sáng tạo bằng những kiến thức về điện, tự động hóa mà sinh viên lĩnh hội được.
Với 96 đội thi đấu ở cấp trường, nhà trường chọn ra được 14 đội để đầu tư kinh phí, hỗ trợ sinh viên tối đa để cống hiến sức sáng tạo của mình. Đội trưởng Hoàng Tuấn Anh, sinh viên năm ba khoa Cơ điện, cho biết: Lúc đầu, tham gia cuộc chơi nhóm của bọn em cơ cực lắm, phải góp mỗi người 1 triệu đồng để mua các thiết bị cần thiết tạo robot thi đấu cấp trường. Khi lọt vào tốp 14, nhà trường bắt đầu rót kinh phí đầu tư nên đời sống của tụi em mới dễ thở. Làm xong một công đoạn nào đó, tụi em tự thưởng mình bằng những bữa ăn hay ly cà phê. Đội chúng em kế thừa những thành tựu chế tạo từ robot vô địch giải quốc gia vừa qua. Chúng em phát huy thêm bằng cách học hỏi công nghệ chế tạo robot để có thể thi đấu vào tháng 9 tới một cách tốt nhất.
Đội LH-Led trong đêm đăng quang. Ảnh: ĐN
TS Trần Hành khẳng định: Kết quả cuộc thi Robocon 2010 của sinh viên mang lại danh tiếng cho nhà trường thật quý giá. Nhà trường đang nâng cấp sân thi đấu cho các thế hệ sinh viên sau phát huy và giữ được danh tiếng. Nhà trường dành hẳn một sân thi đấu với kinh phí hơn 100 triệu đồng để sinh viên có sân chơi, sân tập và thi đấu vững vàng.
Tuấn Anh bộc bạch: Thật ra khi bước lên sàn thi đấu với các đội bạn, cảm giác run sợ, hồi hộp không còn nhờ chúng em đã quá quen thuộc với những “trận chiến” ngay chính từ ngôi trường mình học. Kinh nghiệm chiến thắng cho mình thấy những cuộc thi đòi hỏi những thành viên, nhất là đội trưởng phải có khả năng phán đoán tình hình trên sân và đưa ra chiến thuật “đánh” mạnh nhất sẽ mang lại chiến thắng.
Thức suốt đêm để hoàn chỉnh
Lê Thanh Lành, thành viên đội LH-Led, tâm sự: Sau giờ học, bọn em tới phòng robot bắt tay vào nghiên cứu, thấy điểm nào chưa hài lòng về robot là phải chỉnh sửa, khi cả nhóm ưng ý mới đi ngủ. Nhiều khi vừa đặt lưng xuống, trong đầu nảy ra ý tưởng mới là thức dậy ngay, cả nhóm hội ý và lấy giấy ra viết, vẽ thiết kế những linh kiện điện tử cần thay thế, vi mạch board điện tử phải thiết kế lại như thế nào… Có những lúc cả nhóm chạy lên, chạy về Biên Hòa-TP.HCM (chợ Nhật Tảo) vài ba lần để mua, đặt linh kiện.
Đội LH-Led tại Trường ĐH Lạc Hồng vẫn đến lớp đều đặn. Đội trưởng Hoàng Tuấn Anh hàng ngồi đầu tiên từ trái qua. Ảnh: ĐN
Căng thẳng thi đấu. Ảnh: ĐN
Sân chơi của sinh viên đầy trí tuệ và sáng tạo - cuộc thi Robocon 2010 tại TP Buôn Ma Thuột (Dăk Lăk). Ảnh: ĐN
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi Robocon ĐH Lạc Hồng, cho biết: Các thành viên của LH-Led sau giờ học là tập trung về xưởng để bàn bạc, nghiên cứu, đưa ra nhiều phương án thi đấu khác nhau để hoàn thành nhanh nhất, rồi tập luyện một cách thuần thục, xác định được những sự cố để tránh rủi ro đến tối đa. Có hôm các thành viên lo mải mê trang bị, nâng cấp robot của mình quên cả giờ ngủ. Nhà trường cũng trang bị hẳn nơi nghỉ cho các em. Tại “đại bản doanh” robot có hẳn những vật dụng thiết yếu để các em yên tâm sáng tạo.
TS Trần Hành tự hào: Sáu năm tham gia, trí tuệ của nhiều thế hệ sinh viên đang được bảo tồn ở trường, lớp trẻ kế thừa và phát huy. Hôm nay ĐH Lạc Hồng được ghi danh, đánh dấu son vào danh sách những “đại gia” lừng lẫy về khả năng chế tạo robocon của các trường ĐH-CĐ trên toàn quốc. Về lâu dài, danh dự này chúng tôi phải bảo tồn và phát huy để tự hào hơn về sinh viên hệ ngoài công lập, họ đã biết cống hiến và sáng tạo.
Sinh viên Lê Thanh Hiền, thành viên LH-Led, cũng phấn khởi cho biết: Khi tham gia cuộc thi, tự tay mình làm ra những con robot theo ý mình rất sướng. Bị cuốn hút bởi sự đam mê, dường như không ai biết mệt mỏi, quên cả ăn và ngủ. Điều khiển được robot nhẹ nhàng, nhanh nhẹn là vui như mở cờ trong bụng. Chúng em rất tự tin với đấu trường quốc tế, hy vọng đợt đem chuông đi đánh xứ người lần này chuông sẽ vang lần nữa ...
Sẽ có lớp đào tạo chế tạo robot cho thiếu nhi Sau khi ĐH Lạc Hồng vô địch Robocon 2010, UBND tỉnh Đồng Nai đã kịp thời khen thưởng 196 triệu đồng cho các thành viên đội LH-Led. Cạnh đó, nhà trường cũng đã trao thưởng 200 triệu đồng để động viên các em. Với số tiền thưởng trên, các em có thể trang trải chi phí học tập, hoặc sắm cho mình chiếc laptop xịn để phục vụ việc học. UBND tỉnh cũng đã đặt hàng cho ĐH Lạc Hồng mở lớp đào tạo chế tạo robot cho thiếu nhi (độ tuổi 9-12) có đam mê, có khiếu nghiên cứu về chế tạo robot. Lãnh đạo nhà trường cũng đang xây dựng kế hoạch và tuyển học sinh để đào tạo. TS TRẦN HÀNH, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng |