Thời gian qua, Trường đại học Lạc Hồng luôn là một trong những đơn vị đi đầu về hoạt động khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. TS. Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trường đại học Lạc Hồng đã có cuộc trao đổi với Báo Lao động Ðồng Nai về các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp trong nhà trường.
TS. Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế, Trường đại học Lạc Hồng
* P.V: Sau thành công trong năm 2017, hoạt động đào tạo và phong trào khởi nghiệp năm nay ở Ðại học Lạc Hồng có gì nổi bật, thưa tiến sĩ?
- TS. Nguyễn Văn Tân: Sau những thành công trong năm 2017, đặc biệt là một dự án của Trường đại học Lạc Hồng đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp quốc gia, nhà trường đã có nhiều giải pháp tiếp tục phát triển hệ thống đào tạo khởi nghiệp. Về đội ngũ giảng viên, đến nay trường đã hình thành một nhóm giảng viên chuyên giảng dạy về khởi nghiệp. Nhóm giảng viên này được tham gia các khóa học chuyên sâu về đào tạo khởi nghiệp của Chương trình khởi nghiệp quốc gia, của Hội đồng Anh...
Chương trình đào tạo khởi nghiệp của trường tiếp tục được tiến hành theo 3 cấp độ. Mức đầu tiên là giới thiệu chung về kiến thức khởi nghiệp, bất cứ sinh viên nào quan tâm đến khởi nghiệp cũng có thể tham gia. Mức độ thứ hai là một số kiến thức chuyên sâu trong khởi nghiệp. Và cuối cùng là các lớp dành cho các bạn muốn xây dựng dự án, tạo ra sản phẩm. Việc có 3 cấp độ như vậy giúp nhà trường phân loại được sinh viên một cách hiệu quả. Một lợi thế của Trường đại học Lạc Hồng là đào tạo đa ngành, đa nghề nên sinh viên các ngành khác nhau có thể cộng tác, bổ sung cho nhau. Do đó, chúng tôi luôn khuyến khích sinh viên hình thành các nhóm gồm nhiều khoa khác nhau.
Về cơ sở vật chất, nhà trường đã đầu tư tại cơ sở 2 một khu vực có tên là Coworking Space. Ðây là khu làm việc chung dành cho các nhóm dự án hoạt động và cũng là nơi đào tạo riêng về các kỹ năng liên quan đến khởi nghiệp. Hiện nay, Coworking Space đã hoàn thành và chuẩn bị đi vào vận hành. Tại đây, ngoài sinh viên của trường thì các thanh niên, sinh viên trong tỉnh có nhu cầu phát triển khởi nghiệp cũng có thể tham gia. Họ có thể tự thành lập các nhóm hỗ trợ lẫn nhau để phát triển. Ðồng thời sẽ được tư vấn từ các chuyên gia trong trường và các chuyên gia khách mời.
Hiện nay, Ðại học Lạc Hồng đặt mục tiêu đào tạo kiến thức khởi nghiệp nền tảng cho sinh viên là chính; mục tiêu hình thành doanh nghiệp chưa phải là ưu tiên của chúng tôi. Ðiều quan trọng là giúp sinh viên cập nhật được kiến thức, có được tâm thế, tầm nhìn chuẩn bị tham gia thị trường. Còn khi nào tham gia vào thị trường thì tùy thuộc vào bản thân của mỗi em.
* P.V: Tiến sĩ đánh giá thế nào về cuộc thi “Khởi nghiệp cùng sinh viên Lạc Hồng 2018” vừa qua?
- TS. Nguyễn Văn Tân: Cùng với các hoạt động đào tạo khởi nghiệp, nhà trường tiếp tục tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp cùng sinh viên Lạc Hồng 2018” với sự tham gia của 82 sinh viên và 31 dự án. Vòng chung kết đã kết thúc vào tháng 10 vừa qua, với sự tranh tài của 5 dự án xuất sắc nhất. Giải nhất thuộc về đội 4CE với dự án “Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh lý mãn tính từ cây xương khỉ theo tiêu chuẩn Organic”.
Ðiều đáng ghi nhận ở cuộc thi năm nay là các dự án trong vòng chung kết đều có sản phẩm cụ thể, cho thấy sinh viên đã có nghiên cứu sản phẩm, tìm hiểu thị trường. Bên cạnh đó, các nhóm đã có sự phối hợp tốt giữa sinh viên nhiều ngành khác nhau. Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia, doanh nhân bên ngoài đã giúp sinh viên cân bằng khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.
Về tính khả thi, theo tôi, cả 5 dự án vào vòng chung kết đều có thể tham gia thị trường, vì họ có sản phẩm thật, làm thật. Ðể giúp sinh viên có cơ hội hoàn thiện sản phẩm, dự án, hiện trường đã chọn ra 4 dự án tốt nhất tham gia cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2018 và 2 dự án tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”.
Sinh viên thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp cùng sinh viên Lạc Hồng 2018”
* P.V: Trong thời gian tới, Trường đại học Lạc Hồng có kế hoạch gì hỗ trợ phong trào khởi nghiệp của Ðồng Nai, thưa tiến sĩ?
- TS. Nguyễn Văn Tân: Một thuận lợi trong năm nay là tỉnh Ðồng Nai chú trọng nhiều hơn vào công tác khởi nghiệp, trong đó có việc thành lập Hội đồng Tư vấn, điều phối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Dự kiến cuối tháng 12-2018, Hội đồng này sẽ họp phiên đầu tiên. Trường đại học Lạc Hồng có các thành viên thuộc nhóm tư vấn và tổ thư ký của Hội đồng.
Có một hướng đi khác mà Trường đại học Lạc Hồng đang thực hiện là kết nối hệ thống các doanh nghiệp cùng ngành nghề, có liên quan với nhau. Hiện nay, một vấn đề đặt ra là tại các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, các đơn vị tham gia thường là những doanh nghiệp hoạt động tốt, đứng vững trên thị trường. Trong khi đó, những doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập, còn nhiều khó khăn thì ít tham gia, hoặc không có tiếng nói tại các diễn đàn. Trong thực tế, đây mới chính là các doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ. Trường đại học Lạc Hồng kết hợp cùng Viện đào tạo khởi nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Dự án khởi nghiệp và Công ty TNHH Khởi nghiệp cùng sinh viên để làm việc đó. Mỗi tuần, chúng tôi sẽ tập trung khoảng 15 doanh nghiệp để họ nói lên vấn đề của mình và được các chuyên gia của trường cũng như bên ngoài tư vấn, hỗ trợ nhằm gia tăng sự liên kết và tạo ra được các chuỗi giá trị trong cộng đồng, nhóm doanh nghiệp này. Nhờ đó, các doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Tất cả những hỗ trợ này được thực hiện hoàn toàn miễn phí. Với những nỗ lực này, chúng tôi đang hướng đến mô hình “Bệnh viện doanh nghiệp”, trong đó, các doanh nghiệp yếu thế được hỗ trợ, tư vấn, giống như bệnh nhân được điều trị vậy. Trong thời gian tới, khi đi vào hoạt động, khu Coworking Space sẽ vừa là nơi hỗ trợ các doanh nghiệp, đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên, vừa là nơi để các doanh nghiệp, nhóm dự án kết nối với nhau. Chúng tôi xem đây là những đóng góp cho hoạt động khởi nghiệp ở Ðồng Nai.
Theo Đắc Nhân (Báo Lao động Đồng Nai)
khởi nghiệp, LHU, Lạc Hồng, sinh viên, Đồng Nai