Các loại tân dược và đông dược (bào chế công nghiệp) chữa cảm, cúm được bán không cần đơn (thuốc OTC) ở các nhà thuốc và các điểm bán thuốc hợp pháp, phục vụ mọi lúc mọi nơi. Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân chỉ cần đến kể bệnh là được mua thuốc.
Các loại tân dược và đông dược (bào chế công nghiệp) chữa cảm, cúm được bán không cần đơn (thuốc OTC) ở các nhà thuốc và các điểm bán thuốc hợp pháp, phục vụ mọi lúc mọi nơi. Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân chỉ cần đến kể bệnh là được mua thuốc ngay. Nhiều khi được người bán gói sẵn các loại thuốc đã cắt rời... Điều này đang rất cần được cảnh báo bởi những tác hại của việc dùng thuốc tùy tiện.
Cảm, cúm thông thường
Cảm, cúm thông thường là bệnh bốn mùa của mọi người, thường xuất hiện nhiều nhất vào lúc giao mùa và đông xuân. Đông y gọi các chứng cảm, cúm là “thương phong”. Mùa rét là “phong hàn”. Mùa nóng là “phong nhiệt”. Mùa mát là “phong ôn”. Tùy trường hợp của từng người bệnh mà sau khi bắt mạch, thầy thuốc sử dụng các phương thang khác nhau có gia giảm để kê đơn, do đó khá an toàn cho người bệnh.
Nguyên nhân gây cảm, cúm theo Tây y là do các virut thông thường, gây bệnh đường hô hấp trên (mới nhiễm do tiếp xúc với người bệnh hoặc có sẵn trong cơ thể) gây ra khi sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu (do nhiễm lạnh, nhiễm nóng, nhiễm độc… đột ngột) với biểu hiện: hắt hơi, sổ mũi, có khi chảy nước mũi ròng ròng; có khi ớn rét, sợ gió. Tối đa chỉ 1 tuần là khỏi. Trường hợp nặng có thể gây nhức đầu, sốt cao, người mệt mỏi (có khi đến 2 tuần mới khỏi),… dễ bị biến chứng đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản... rất nguy hiểm cho người già, trẻ nhỏ, người yếu. Nếu cảm nặng sau 10 ngày không đỡ cần đi khám để điều trị kịp thời.
Các loại tân dược chữa cảm, cúm
Tân dược chữa cảm cúm có thành phần chủ yếu là: paracetamol (acetaminophen) có tác dụng hạ sốt, giảm đau, phối hợp với các dược chất khác như: chlorpheniramin maleat (hoặc loratadin, fexofenadin) có tác dụng chống dị ứng; phenylpropanolamin hoặc pseudoephedrin hoặc phenylephrin. (Từ khi Bộ Y tế cấm dùng phenylpropanolamin do thuốc gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ với người bệnh tim mạch nặng, thì các hãng sản xuất thuốc chuyển sang dùng pseudoephedrin. Khi thuốc chứa pseudoephedrin bị gian thương thu gom để chiết pseudoephedrin sản xuất ma túy, Bộ Y tế khuyến cáo dùng phenylephrin thay thế thì các hãng sản xuất thuốc lại thay đổi công thức); với dextromethorphan có tác dụng giảm ho, tạo thành các biệt dược với hàng trăm tên khác nhau được quảng cáo thường xuyên trên truyền hình, báo in.
Còn lời cảnh báo về tác dụng có hại như: paracetamol uống hại gan, phenylpropanolamin và pseudoephedrin có thể gây đột quỵ cho người tăng huyết áp… thường đăng trên báo hoặc nhà sản xuất thuốc có ghi trong tờ hướng dẫn dùng thuốc để trong hộp thuốc thì rất ít người đọc, có khi đọc rồi lại quên ngay.
Với hàng trăm tên biệt dược chữa cảm, cúm của nhiều nhà sản xuất thuốc, công thức dược chất trong mỗi biệt dược phần lớn là khác nhau. Riêng dạng thuốc có: thuốc uống, thuốc đặt hậu môn, thuốc tiêm, trong đó thuốc uống có nhiều dạng nhất như: thuốc viên (viên nén, viên nén bao phim, viên nang cứng, viên nang mềm, viên sủi). Thuốc nước có: sirô chai 30ml, 60ml; gói 5ml đóng hộp 30 gói và dung dịch uống...
Lời khuyên cho người dùng tân dược chữa cảm, cúm
Tránh hại gan: Không sốt cao (trên 38oC), không đau nhức: không dùng paracetamol (acetaminophen). Khi dùng thuốc có chứa paracetamol không dùng một lúc nhiều dạng thuốc (đã tiêm không uống, đã uống không đặt thuốc hậu môn) để tránh quá liều.
Tránh đột quỵ: Người có bệnh tăng huyết áp, tim mạch nặng, cường giáp, đái tháo đường… không dùng các biệt dược chứa phenylpropanolamin (tuy đã bị cấm ở Việt Nam nhưng đề phòng trường hợp mang thuốc từ nước ngoài về), pseudoephedrin.
Không dùng chlorpheniramin maleat và các biệt dược có chứa chất này cho bệnh nhân: Đang lên cơn hen, tắc cổ bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, thiên đầu thống (glaucom góc hẹp), tắc môn vị, tá tràng, loét dạ dày, trẻ sơ sinh, người mang thai 3 tháng cuối, người đang nuôi con bú.
Trường hợp nhẹ như: hắt hơi, chảy nước mũi trong… chỉ cần uống thuốc kháng histamin H1 như: chlorpheniramin maleat hoặc loratadin hoặc cetirizin… là khỏi.
Các loại đông dược (sản xuất công nghiệp) chữa cảm, cúm (được ghi trong danh mục Thuốc thiết yếu của Bộ Y tế)
Thuốc giải biểu:
Viên khung chỉ (xuyên khung, bạch chỉ, hương phụ, cam thảo bắc) của nhiều cơ sở sản xuất khác nhau.
Cảm xuyên hương, cảm tế xuyên, comazin (gừng khô, quế và 4 dược chất như viên khung chỉ).
Đáng lưu ý là các thuốc có cùng công thức như cảm xuyên hương (ngoài các tên đã nêu trên có thể trên thị trường còn nhiều tên khác) chỉ dùng cho trường hợp cảm lạnh là tốt nhất. Không dùng cho người cảm nhiệt, cảm nắng (có thể làm cho bệnh nặng thêm). Cấm dùng cho phụ nữ có thai (đã có trường hợp gây thai chết lưu). Người đang nuôi con bú (giảm tiết sữa).
Các loại thuốc chứa tinh dầu như: cao Sao vàng, dầu Khuynh diệp, dầu Cửu long, dầu gió... thường dùng để “đánh gió” hoặc bôi vào thái dương, cổ họng, ngực, bụng hoặc cho vào cốc nước sôi để xông mũi. Cần lưu ý khi dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi cấm dùng các loại có tinh dầu bạc hà vì tinh dầu bạc hà gây ức chế hô hấp, dẫn đến ngừng tim, ngừng thở.
Theo suckhoedoisong.vn