Gia đình xảy ra biến cố, cách đây 16 năm, chị Phạm Thị Lĩnh, hiện là giảng viên bộ môn Kế toán của Khoa Khoa học sức khỏe và kế toán tài chính Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, đã tạm dừng việc học để đi làm phụ giúp gia đình.
Chị Phạm Thị Lĩnh (giữa) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Ảnh: Nga Sơn
Thế nhưng, khát khao được đến trường, ước mơ được trở thành cô giáo đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học trò đã thôi thúc chị quyết tâm trở lại trường học, phấn đấu để trở thành giảng viên.
* Quyết tâm theo đuổi ước mơ
Chị Lĩnh chia sẻ, chị là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em. Khi cha chị đột ngột qua đời, công việc làm ăn của gia đình sa sút, một mình mẹ chị gồng gánh nuôi 5 chị em Lĩnh ăn học. 2 chị gái đang học đại học tại Hà Nội, anh trai đang học nghề, còn cậu em trai mới học lớp 10, vì vậy sau khi tốt nghiệp THPT, chị quyết định tạm dừng việc học để đi làm phụ giúp gia đình.
Năm 2006, chị rời quê Nghệ An vào tỉnh Bình Dương cùng người chị họ đi làm công nhân. Qua hồ sơ xin việc biết chị Lĩnh từng có 12 năm liền là học sinh giỏi nên công ty đã tuyển dụng chị vào làm nhân viên và đào tạo thêm về kỹ thuật, tạo điều kiện để chị phát huy khả năng của mình. Mặc dù điều kiện làm việc và thu nhập khá tốt nhưng khát khao được đi học vẫn luôn cháy bỏng. Vì vậy, chị Lĩnh đã nỗ lực để vừa đi làm, vừa đi học vào buổi tối. Mặc dù vừa làm, vừa học nhưng điều đáng chú ý là năm nào chị Lĩnh cũng đạt học lực giỏi, nhận được học bổng của nhà trường; từ nhân viên kỹ thuật, chị được công ty chuyển lên làm kế toán.
Sau khi tốt nghiệp ngành Kế toán Trường đại học Lạc Hồng, chị Lĩnh được nhận thỉnh giảng các lớp đào tạo vào buổi tối tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai. Đồng thời, chị tiếp tục thi và học lên cao học chuyên ngành Kế toán tại Trường đại học Lạc Hồng. Công việc của chị tại công ty khá thuận lợi với mức thu nhập cao nhưng làm cô giáo là ước mơ từ khi thơ bé nên chị đã quyết định chuyển hướng. Đầu năm 2016, chị Lĩnh nộp hồ sơ và được tuyển dụng vào làm giảng viên môn Kế toán tại Trường đại học Công nghệ Đồng Nai.
7 năm gắn bó với Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, bản thân chị không ngừng trau dồi kiến thức, đổi mới phương pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy. Trong đó, chị đã chủ trì nâng cao chất lượng đào tạo và phương pháp giảng dạy theo CDIO (giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo); trực tiếp giảng dạy bằng phương pháp e-learning, triển khai các phần mềm cũng như các mô hình trong giảng dạy trực tuyến; tích hợp các công cụ vào giảng dạy giúp sinh viên biết cách sử dụng các công cụ giải quyết các vấn đề trong học tập và làm việc.
Chị Lĩnh cho hay, để có thể áp dụng các biện pháp giảng dạy một cách thuần thục, ngoài việc được nhà trường tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy, bản thân chị còn tự đăng ký và tham gia các khóa học. Không dừng lại ở đó, với suy nghĩ nếu chỉ dạy sẽ không đủ để nâng tầm kiến thức, những năm gần đây chị Lĩnh còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, viết các bài báo khoa học. Đến nay, chị đã sở hữu 20-30 đề tài, bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành, các kỷ yếu hội thảo khoa học cấp quốc gia…
* Giúp sinh viên có thêm cơ hội học tập và rèn luyện
Không chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy, từ khi về Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, chị Lĩnh còn được phân công nhiệm vụ hỗ trợ công tác Đoàn, Hội và phong trào sinh viên của trường. Theo chia sẻ của chị Lĩnh, bản thân chị yêu thích các hoạt động phong trào nên từ khi còn là học sinh THPT, năm nào chị cũng được bầu làm bí thư chi đoàn lớp, có năm tham gia ban thường vụ Đoàn trường. Thậm chí, khoảng thời gian vừa làm, vừa đi học vào buổi tối, chị Lĩnh vẫn tranh thủ tham gia các hoạt động của trường. Vì vậy, khi được phân công nhiệm vụ hỗ trợ công tác Đoàn, Hội và phong trào sinh viên của trường, chị Lĩnh sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Từ đó đến nay, chị Lĩnh đã tham mưu tổ chức nhiều hoạt động đồng hành hỗ trợ sinh viên trong học tập. Trong đó, chị đã tham mưu tổ chức tập huấn, hội thảo dành cho sinh viên của ngành Kế toán - tài chính trong công tác chấp hành an toàn giao thông, phòng ngừa tội phạm, ma túy trong học đường; trang bị kỹ năng và kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, giúp sinh viên định hướng con đường học tập đúng đắn, vững vàng trong ngành nghề.
Bên cạnh đó, hằng năm chị Lĩnh đều tham mưu cho nhà trường, Khoa Khoa học sức khỏe và kế toán tài chính tổ chức các cuộc thi dành cho sinh viên, như cuộc thi kế toán viên tài năng, chuyên gia tài chính giỏi thu hút sinh viên trong và ngoài khoa tham gia. Đặc biệt, chị còn tổ chức các chương trình, các buổi sinh hoạt để hỗ trợ sinh viên có học lực yếu hơn bổ sung kiến thức; vận động doanh nghiệp hỗ trợ học bổng cho sinh viên khá, giỏi có hoàn cảnh khó khăn, tạo động lực để sinh viên tiếp tục học tập.
Bản thân chị cũng tham gia tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện. Chỉ tính trong năm học 2020-2021, chị cùng với Đoàn, Hội nhà trường phối hợp tổ chức 2 đợt hiến máu tình nguyện; trao tặng 3 phòng máy vi tính tại các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; tổ chức trao tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động Xuân yêu thương - Xuân tình nguyện nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của sinh viên. (Theo Nga Sơn - )